Hải Phong., Jsc tổng hợp và gửi tới tất cả các bạn thực tập sinh những lưu ý chắc chắn sẽ phải thuộc lòng khi bạn sang Nhật Bản làm việc và học tập. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bạn.
Không chen ngang vào hàng
Người Nhật xếp hàng ở mọi nơi, bến xe buýt, nhà ga hay thang máy. Đó được coi là phép lịch sự. Ở ga tàu, mọi người xếp hàng tại vị trí được đánh dấu trên sàn. Khi tàu đến, khách đợi tàu sẽ chờ người xuống hết trước khi bước lên. Việc chen ngang hàng sẽ khiến bạn trở thành tâm điểm của mọi ánh nhìn.Thật đó!
Tuân thủ luật lệ giao thông
Quy tắc giao thông cơ bản tại Nhật bạn cần biết là: Xe hơi, xe đạp đi làn đường bên trái. Người đi bộ ở đường không có vỉa hẹ đi ở bên phải đường. Chú ý luôn phải tuân thủ theo tín hiệu đèn giao thông vào biển báo để có một cuộc sống an toàn tại đất nước Mặt trời mọc nhé.
Tránh làm ồn nơi công cộng
Chú ý đừng làm ồn nhé! Bạn không nên nghe điện thoại trên tàu, cũng không nên nói chuyện khi đang đi tàu. Vì người Nhật luôn ý thức rằng, việc nói chuyện ở nơi công cộng sẽ gây ảnh hưởng đến người khác, và khiến họ khó chịu. Trên các phương tiện công cộng, nhiều người dùng điện thoại để nhắn tin, nghe nhạc, xem video hay đọc sách, nhưng hiếm ai gọi điện thoại. Nếu cần, họ cũng chỉ trao đổi ngắn gọn và rất khẽ tiếng.
Không nên vừa đi vừa ăn
Ở Nhật, mọi người không ăn uống trong lúc di chuyển. Thức ăn nhanh được bán tại quầy, khách hàng mua xong sẽ đứng ăn ngay tại chỗ. Đồ uống từ các máy bán hàng tự động cũng được dùng ngay, hộp hoặc bình sẽ được bỏ vào thùng tái chế bên cạnh chiếc máy.
Tương tự, việc ăn uống trên các phương tiện giao thông cũng không mấy lịch sự, chỉ trừ những chuyến đi đường dài.
Không đi giày vào trong nhà, các văn phòng
Hãy cởi bỏ giày, dép để trước cửa và bạn sẽ được dành cho một đôi dép riêng đi trong nhà; nếu không, đi vớ hoặc chân trần nếu bạn không muốn bị người Nhật đánh giá là một người thiếu tôn trọng
Đối với một người mới quen, không nên gọi thẳng tên
Những người quen biết, thân thiết người Nhật thường gọi tên kèm theo hậu tố ví dụ như một người bạn, đồng nghiệp, hay một người mới quen là thay vì gọi tên thì hãy gọi riêng họ kèm hậu tố “san” (Anh/chị). Đối với người nhỏ tuổi hơn mình thì tùy theo giới tính mà từ đi kèm sẽ thay đổi, với cậu bé là “kun” và cô gái là “chan”. Giáo viên hoặc người bề trên nên được gọi là “Sensei”. Nếu bạn đang nói chuyện với người có địa vị lớn hoặc quan trọng bạn có thể sử dụng hậu tố “sama” để biểu thị sự tôn trọng.
Phân loại rác đúng quy định
Ở Nhật việc phân loại rác trước khi vứt được tiến hành một cách nghiêm ngặt và gắt gao. Rác được phân làm các loại như sau: – Rác cháy được (可燃ごみ): là lượng rác thải ra lớn nhất, đa số phát sinh do sinh hoạt hàng ngày. Rác cháy được bao gồm tất cả các loại thức ăn dư thừa (生ごみ), giấy vụn, thậm chí các loại đồ nhựa (bình đựng…) bị vấy bẩn không rửa sạch để tái tạo được. – Rác không cháy được (不燃ごみ): gồm các vật dụng gia đình như đồ bếp, xoong nồi, chảo, đồ dùng bằng kim loại hỏng hóc, pin đã qua sử dụng, chai lọ thủy tinh, kim loại… – Rác kích thước lớn (粗大ごみ): các loại rác nói trên có kích thước lớn (tùy theo từng khu vực quy định khác nhau, kích thước mỗi bề khoảng hơn 60 cm ) thì không vứt theo dạng bình thường. Để vứt những loại rác này, bạn phải liên hệ trước với trung tâm xử lý rác kích thước lớn ở khu bạn đang ở, và phần lớn trường hợp phải mất phí xử lý.
– Rác tái tạo được(資源): gồm các thùng các tông bọc đồ còn sạch, các loại sách báo, và các khay bằng plastic đựng hoa quả, thịt được dùng trong các siêu thị, các bình nước PET sạch… Đặc điểm chú ý khi vứt loại rác này là phải rửa, giữ sạch, phơi khô ráo, nếu sách báo thì buộc chặt lại bằng dây ni lông. Tuy vứt rác này hơi mất công, nhưng việc này rất có ích đối với công cuộc giữ gìn môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Các loại rác nói trên được quy định vứt theo các ngày khác nhau trong tuần. Thường do lượng rác cháy được khá nhiều, nên mỗi tuần sẽ được vứt vào 2 ngày trong tuần. Ngược lại, rác không cháy được, với lượng ít hơn, thường được thu vào một đợt trong 2 tuần, được ấn định vào một thứ cụ thể trong tuần. Các bạn có thể xin lịch thu gom rác tại khu vực mình sinh sống thông qua nhà môi giới bất động sản cho mình, hoặc khi lên đăng kí địa chỉ ở Ủy Ban nhân dân (市・区役所).
Khi mua hoa quả
Tránh bóp hoặc ấn hoa quả khi mua tại siêu thị bởi điều đó sẽ làm hoa quả hỏng ở các điểm bị ấn vào. Nếu muốn biết độ tươi của chúng, bạn hãy hỏi nhân viên siêu thị. Bạn biết mà, người Nhật vô cùng thành thật!
Chúc bạn có hành trình làm việc và học tập tại Nhật Bản nhiều thuận lợi và gặt hái.
Hải Liên