“Sang Nhật Bản làm việc, các bạn không chỉ để kiếm tiền, mà hơn hết, để tích lũy kỹ năng, vốn sống, vốn ngoại ngữ, và trở về Việt Nam lập thân, lập nghiệp” là tâm nguyện trong hoạt động phái cử thực tập sinh được Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng Hải Phong (Hải Phong., Jsc) chia sẻ tại buổi Ký thỏa thuận hợp tác chính thức với Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp (UNETI), diễn ra vào ngày 22/11/2018 vừa qua.
Buổi lễ diễn ra sau tròn một năm kể từ ngày ký kết và khai trương Câu lạc bộ Văn hóa Việt Nhật giữa Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp và Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Phong. Buổi lễ có sự tham dự của các lãnh đạo; hơn 20 thầy cô là các trưởng, phó khoa và các bạn sinh viên của Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp cùng các đại diện Hải Phong., Jsc.
Cần một điểm tựa để khởi nghiệp
Trong bối cảnh, nhà nhà, người người khởi nghiệp, rất cần một điểm tựa để các bạn sinh viên sau tốt nghiệp có thể bung tỏa sức trẻ của mình. “Lựa chọn Nhật Bản có lẽ là một khởi đầu không tồi với các bạn. Tất cả các công nghệ mà các bạn sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường tại Việt Nam có thể dễ nhận ra chúng đều được nhúng vào trong dây chuyền sản xuất của tất cả các ngành nghề ở Nhật. Cơ hội để học hỏi kỹ năng quản lý sản xuất, kỹ năng làm viêc, kỷ luật, ngoại ngữ, và một số vốn nhất định, sẽ là hành trang tốt để các bạn trẻ Việt Nam trở về khởi nghiệp. Chúng tôi gọi đó là Hành trình Đông Du Mới”, ông Nguyễn Xuân Tuyến, Chủ tịch HĐQT Hải Phong., Jsc, người từng đi thực tập sinh kỹ năng tại Nhật ba năm, thông tin tới lãnh đạo, thầy cô và các bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp.
Ông Tuyến cũng cho biết Hải Phong luôn nhắc nhở các bạn thực tập sinh do công ty phái cử “Sang Nhật đừng chỉ mang về số tiền đủ xây một ngôi nhà hay mua một chiếc xe mà hãy mang về tất cả những gì đã học hỏi được ba năm ở Nhật, vận dụng, cải tiến, và phát triển sự nghiệp chính bản thân tại Việt Nam”.
Trong hơn 5000 thực tập sinh được Công ty Hải Phong phái cử sang Nhật làm việc, có đến 95% tốt nghiệp đại học, cao đẳng. 35% thực tập sinh về nước lấy được chứng chỉ năng lực Tiếng Nhật N2. Nhiều bạn trở về Việt Nam và khởi nghiệp như lập công ty gia công phần mềm cho Nhật Bản, mở chuỗi nhà hàng Nhật, trang trại ứng dụng công nghệ cao, hay làm việc tại các tập đoàn, công ty Nhật có chi nhánh tại Việt Nam với mức lương hậu hĩnh.
Đồng tình với một phần quan điểm đại diện Hải Phong., Jsc đưa ra, TS. Trần Hoàng Long – Phó Hiệu trưởng, Phụ trách Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, cho biết “Sinh viên khi mới ra trường cũng nên trải nghiệm các công việc thực hành để tích lũy kinh nghiệm. Đó thực sự là “số vốn” quý báu giúp các bạn trưởng thành trong công việc sau này. Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp cũng luôn khuyến khích sinh viên mình có những trải nghiệm ấy”. Thầy Long cho rằng “Không đơn thuần chỉ là đi lao động kiếm tiền, đi Nhật Bản làm việc và học hỏi thực sự là hướng đi khả thi cho nhiều sinh viên sau tốt nghiệp để gia tăng tích lũy”.
Đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thực tập sinh khi sang Nhật
Trả lời các băn khoăn của TS Long trước luồng thông tin thực tập sinh khi sang Nhật làm việc bị bóc lột sức lao động, đồng thời với thực tập sinh của Hải Phong phái cử đi có được làm việc tại các công ty tốt không, ông Nguyễn Xuân Tuyến, Chủ tịch HĐQT Hải Phong., Jsc, chia sẻ “Sang Nhật, đất nước có năng suất lao động gấp 8 lần Việt Nam và có nền kinh tế đứng thứ 03 thế giới, thực tập và làm việc chắc chắn có nhiều vất vả”.
TS. Trần Hoàng Long – Phó Hiệu trưởng, Phụ trách Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp trao đổi cùng Hải Phong., Jsc về các cơ hội sinh viên có thể nhận được qua chương trình thực tập sinh tại Nhật.
Bà Lê Thị Hợi, TGĐ Hải Phong., Jsc, và TS. TS. Trần Hoàng Long – Phó Hiệu trưởng UNETI, ký thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Thầy cô UNETI tham quan Trường Đào tạo Hải Phong, nơi đào tạo các thực tập sinh trúng tuyển trước khi lên đường sang Nhật làm việc.
Hải Phong cam kết giới thiệu và phái cử thực tập sinh tới các công ty, tập đoàn uy tín của Nhật Bản đồng thời đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các bạn thực tập sinh khi sang Nhật. Việc đảm bảo quyền lợi của các thực tập sinh được thực hiện bởi sự tham gia của ba bên, gồm công ty phái cử tại Việt Nam; Nghiệp đoàn tại Nhật Bản; công ty tiếp nhận Nhật Bản và dưới sự giám sát của Cơ quan Quản lý Thực tập sinh Kỹ năng Nhật Bản (OTIT). OTIT là cơ quan sẽ hỗ trợ thực tập sinh kỹ năng, giám định và chấp nhận các đơn vị tiếp nhận mới đăng ký, phê duyệt kế hoạch thực tập kỹ năng, quản lý hoạt động của các tổ chức quản lý (Nghiệp đoàn) và tổ chức thực hiện (công ty tiếp nhận). Trường hợp những công ty Nhật Bản có phản ánh không tốt sẽ ngay lập tức bị OTIT cấm cấp phép hoạt động tiếp nhận thực tập sinh.
Đại diện Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp bày tỏ mong muốn được doanh nghiệp Hải Phong giới thiệu tới sinh viên nhà trường các công việc tốt ở doanh nghiệp tiếp nhận uy tín.
Kết thúc Lễ ký kết, lãnh đạo và các thầy cô Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp sang tham quan Trường Đào tạo Hải Phong, nơi đào tạo Tiếng Nhật, tâm thế, tác phong kỷ luật, và văn hóa ứng xử, cho các thực tập sinh trúng tuyển trước khi lên đường sang Nhật làm việc.
“Từ khi đỗ chương trình tuyển dụng tại Hải Phong, em được đào tạo trong trường đào tạo của công ty được hơn 05 tháng. Em thấy mình thay đổi nhiều khi có thể tự tin giao tiếp cơ bản với người Nhật, ý thực tự giác và sống trách nhiệm và có hoài bão. Em cảm ơn thầy cô Trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp đã cho em nền tảng kiến thức tốt. Em mong rằng sẽ tích lũy được nhiều trải nghiệm quý báu trong thời gian sang Nhật làm việc sắp tới” Bạn Nguyễn Tấn Đạt, cựu sinh viên Khoa Điện, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, hiện là thực tập sinh Công ty Toshiba Memory, chia sẻ. |
Câu lạc bộ văn hóa Việt Nhật Hải Phong – UNETI là nơi tổ chức các lớp dạy tiếng Nhật miễn phí của công ty Hải Phong hàng tuần giúp các bạn sinh viên UNETI có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, cũng như được học tập ngôn ngữ mới và lối sống, văn hóa đất nước Mặt trời mọc. Hiện CLB đã thu hút hàng trăm sinh viên UNETI tham gia. |
http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/di-nhat-la-de-tro-ve.html?fbclid=IwAR0EFQ9nHBADsTb93rgKhiv8riE4DZZ_nEf_4DR9bbe7SL7qMEyM_-_5IeI
Theo Báo Xây dựng