thực tập sinh

ROBOT TỰ ĐỘNG ĐANG THỰC SỰ ĐE DỌA NGUỒN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

By Nguyễn Phương

March 12, 2019

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất đang sa thải dần lao động trình độ thấp, chuyển phương thức sản xuất sang nền tự động hóa, không cần sử dụng nhân công. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Làm thế nào để người lao động trong nước không “chung số phận” bị sa thải vì máy móc thay thế?

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước chừng 44% lực lượng công nhân (CN) nhà máy trên thế giới có nguy cơ bị robot thay thế. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam làm việc ở khu vực công nghiệp chủ yếu tay nghề thấp với công việc lắp ráp và gia công. Việc họ bị thay thế bằng người máy đang hiển hiện rất rõ. Theo số liệu được thống kê Việt Nam có tới 75% lực lượng CN bị thay thế bởi robot tự động.

Khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi công nghệ 4.0

Tại Việt Nam, năm 2004 công ty may Thạch Bình đã đầu tư 125000 USD cho máy cắt vải tự động, làm số nhân công giảm đi 50%. Ở Công ty CP Phích nước Bóng đèn Rạng Đông sau khi trang bị 1.000 tay máy tự động, đồng nghĩa với việc đại bộ phận CN ra đi, số còn lại phải đào tạo mới để vận hành máy móc. Nhà máy sữa Vinamilk ở Bình Dương với hệ thống robot sản xuất tự động, sử dụng rất ít CN. Công ty Gốm sứ Minh Long I, sau khi nhập về 7 robot tạo dáng sản phẩm với độ chính xác cao, đã giảm lượng nhân công từ 400 người xuống còn 15 người chủ yếu chỉ điều khiển máy móc.

Vừa qua, tại TP HCM, đã có cửa hàng bách hóa tự động không người bán. Khách sau khi lấy hàng trên kệ chỉ cần lựa chọn hình sản phẩm trên màn hình cảm ứng rồi quét mã QR từ ứng dụng để thực hiện lệnh thanh toán qua thẻ. Đơn vị đầu tư dự kiến mở khoảng 2.000 cửa hàng dạng này tại Việt Nam trong thời gian tới.

Vài năm gần đây, với chủ trương chuyển từ sử dụng lao động sang sử dụng máy móc, mỗi năm Công ty May Sài Gòn giảm 5% số lượng CN, dù đơn hàng sản xuất ngày một nhiều hơn. Uớc tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy có đến 86% nhân công các ngành dệt may, giày dép tại Việt Nam có nguy cơ mất việc khi xu thế tự động hóa trong ngành ngày một tăng.

Và kèm theo đó là mối đe dọa thất nghiệp.

Chúng ta đang bước vào một thời đại thay đổi nhanh nhất trong lịch sử, thời đại cách mạng 4.0. Tới mức AI (trí tuệ nhân tạo) đã phát triển tạo ra những con robot xinh đẹp, biểu cảm đọc bản tin thay cho phát thanh viên truyền hình. Chỉ 10 năm nữa thôi sẽ có ít nhất 800 triệu người mất việc vào tay các cỗ máy tự động khi có đến 60% công việc sẽ được tự động hóa (Báo cáo của McKinsey). Không chỉ CN mà những nông dân nghèo cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi công nghệ cao được đưa vào trong các hoạt động chế biến, trồng trọt, chăn nuôi. Cho tới các công việc văn phòng cũng vậy, không cần nhiều bằng cấp mà chỉ dựa trên các quy trình quy chuẩn, các công việc không đòi hỏi sáng tạo như công nhân nhà máy, nhân viên thu ngân, kế toán, tài xế, nhân viên chăm sóc khách hàng,… là những công việc bị đe doạ nhiều nhất.

Các bạn trẻ Việt Nam tham gia chương trình phái cử Thực tập sinh sang nước ngoài làm việc và học tập.

Trước thực trạng trên, hàng loạt vấn đề đang đặt ra. Việc đào tạo lực lượng lao động trình độ thấp, tạo sự kết nối với thị trường lao động quốc tế là một trong những yêu cầu cấp bách. Trong đó trước mắt cần quan tâm: thiết lập hệ thống thúc đẩy sự lưu chuyển của lao động sang nước ngoài học tập và làm việc. Sẽ giúp ích các LĐ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm; rèn luyện khả năng ngoại ngữ; rèn luyện tác phong làm việc công nghiệp, đạo đức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công việc…được cho là sẽ hữu ích và bổ trợ cho mỗi người trước bão “cách mạng 4.0”.

Nguyễn Phương