fbpx
5 năm trước Chưa được phân loại

Đáng báo động: Việt Nam chiếm tới nửa số vụ bị hủy tư cách lưu trú tại Nhật trong năm 2018

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản ngày 21/08/2019, trong năm 2018 có 832 trường hợp người nước ngoài bị buộc phải hủy tư cách lưu trú tại Nhật, tăng 116,1% so với 385 trường hợp trong năm 2017. Trong đó, phần lớn là các du học sinh bỏ học và thực tập sinh bỏ trốn để lưu trú trái phép tại Nhật.

Biểu đồ miêu tả số lượng người nước ngoài bỏ trốn lưu trú bất hợp pháp tại Nhật qua từng năm.

Đáng báo động trong số 832 trường hợp bị buộc phải hủy tư cách lưu trú tại Nhật, Việt Nam có tới 416 vụ – chiếm tới 50%, tiếp theo là Trung Quốc với 152 trường hợp (18,3%) và Nepal với 62 trường hợp (7,5%).

Theo luật pháp Nhật Bản, mỗi cá nhân khi doanh nghiệp, tổ chức báo cáo lên cơ quan nhập cư tình trạng bỏ trốn và sau khi cơ quan nhập cư Nhật Bản xác nhận thì ngay lập tức tư cách lưu trú của các bạn sẽ tự động mất hiệu lực, dù thời hạn thị thực trên giấy tờ vẫn còn và như vậy nếu bị bắt, cá nhân đó sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản.

Quyết định trốn ra ngoài là các bạn đã tự mình chọn con đường sống bất hợp pháp. Khi quyết định bỏ trốn các bạn thường nghĩ đến viễn cảnh có thu nhập cao, tài chính ổn định, được tự do, thoát khỏi nỗi lo bị quản lý, gánh nặng học tập, làm việc… Tuy nhiên, đó chỉ là cái được vô cùng nhỏ bé nhưng rất nguy hại, vì ẩn đằng sau là nguy cơ các bạn mất cả tương lai và thậm chí làm liên lụy đến những người khác.

Những trường hợp bỏ trốn ra ngoài, thiếu may mắn rơi vào hoàn cảnh bị ngược đãi, bị quỵt tiền do chủ biết các em sẽ không dám trình báo cơ quan chức năng vì các bạn là người lưu trú bất hợp pháp. Một số bạn gặp được chủ doanh nghiệp tốt, thấu hiểu hoàn cảnh, được đối xử công bằng, song điều đó cũng khiến những người chủ này phải đứng trước nguy cơ trở thành đối tượng vi phạm luật pháp vì đã bao che cho người cư trú bất hợp pháp. Đã có một số chủ doanh nghiệp Nhật Bản bị bắt giữ vì đã tuyển dụng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp.

Bỏ trốn đã là một quyết định sai lầm. Nhưng chưa dừng lại ở đó, điều nguy hiểm nhất khi lựa chọn làm người sống ngoài vòng pháp luật, các bạn trở thành “miếng mồi” và là đối tượng ưa thích để các băng nhóm tội phạm lôi kéo, đặc biệt là những bạn muốn kiếm tiền nhanh và nhiều nhưng không muốn làm việc vất vả. Tham gia một băng nhóm tội phạm là các bạn đẩy mình vào tình trạng vi phạm luật pháp ở cấp độ nghiêm trọng, trở thành đối tượng tội phạm hình sự tại Nhật Bản. Đây chính là hậu quả lớn nhất, là điều đáng báo động nhất.

Một hệ lụy nữa là hình ảnh người Việt Nam trong mắt người Nhật Bản “con sâu làm rầu nồi canh”. Việc truyền thông Nhật Bản thỉnh thoảng đưa tin về việc du học sinh Việt Nam bỏ trốn, phạm tội làm cho một số người Nhật đánh đồng với hình ảnh của cộng đồng người Việt, khiến đôi khi người Việt Nam bị người sở tại quan sát bằng ánh mắt tiêu cực. Gây ảnh hướng tới những người mong muốn học tập, làm việc tại Nhật Bản và chấp hành đúng quy định nước sở tại. Nếu tình trạng này không được cải thiện cũng như tiếp tục gia tăng thì chắc chắn việc xin visa của người Việt sẽ tiếp tục bị Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản làm chặt. Gần đây, đã có rất nhiều trường hợp các bạn du học sinh làm quá giờ bị buộc phải về nước mặc dù tỉ lệ lên lớp rất cao, cũng như các bạn kĩ sư không thể gia hạn visa do làm trái ngành.

Nguyễn Phương