fbpx
6 năm trước Tin tức Nhật Bản

Những phong tục đón năm mới ở Nhật Bản

Dù Nhật Bản không đón Tết Nguyên Đán và chuyển qua Dương lịch, người dân nơi đây vẫn gìn giữ nhiều phong tục đón năm mới và có nét tương đồng với các nước Việt Nam, Trung Quốc…

Tiệc tiễn năm cũ

Mỗi năm, trong suốt tháng 12, người dân Nhật Bản thường tổ chức bonenkai (tiệc tiễn năm cũ). Đây là dịp nhân viên các công ty, đối tác kinh doanh, bạn bè tổ chức để kết thúc năm, quên đi những nỗi buồn phiền năm cũ và hướng đến năm mới với tinh thần tươi mới hơn. Kể cả trong dịp tiệc công ty, không khí trang trọng cũng nhanh chóng biến mất sau màn chúc tụng. Quan khách sẽ được thả lỏng dần và bắt đầu thân mật trò chuyện, ăn uống. Một số bữa tiệc còn có nhiều hoạt động vui vẻ, trò chơi hoặc tổ chức hát karaoke. 

Ngắm ánh mặt trời đầu tiên của năm 

Một trong những cách đón chào năm mới đặc biệt nhất ở Nhật Bản là Hatsuhinode – chờ đón ánh mặt trời đầu tiên của năm. Đây là một phong tục truyền thống, dịp để mọi người trong gia đình hay bạn bè cùng nhau đi ra ngoài đón ánh bình minh. Người Nhật quan niệm thần năm mới Toshigami sẽ xuất hiện cùng mặt trời. Để tận hưởng khoảnh khắc đẹp đó, nhiều người Nhật đi tới những nơi có địa hình cao để được đón bình minh sớm hơn. Ở trung tâm thủ đô Tokyo mọi người kéo tới tháp Tokyo Sky Tree hoặc văn phòng chính phủ.

Trang trí đón năm mới

Kadomatsu, trang trí đón năm mới truyền thống, là cách người Nhật đặt trước cửa nhà vật trang trí để mời chào những linh khí tốt đẹp. Vật đó thường được kết từ các khúc tre với độ dài khác nhau, các cành lá thông và đế bao là cỏ, rơm khô. Những vật này được đặt ngay ngoài cửa vào nhà từ cuối tháng 12 tới hết tuần đầu tháng 1. Những thanh tre biểu tượng cho sự thịnh vượng trong khi thông thể hiện cho sự trường thọ. Kadomatsu được cho là cách tạo chỗ trú tạm thời cho các thần thánh tới thăm dương gian, cầu chúc cho con người. Chúng sẽ bị đốt đi sau ngày 15/1.

Gửi thiệp cho người thân bạn bè

Kadomatsu, trang trí đón năm mới truyền thống, là cách người Nhật đặt trước cửa nhà vật trang trí để mời chào những linh khí tốt đẹp. Vật đó thường được kết từ các khúc tre với độ dài khác nhau, các cành lá thông và đế bao là cỏ, rơm khô. Những vật này được đặt ngay ngoài cửa vào nhà từ cuối tháng 12 tới hết tuần đầu tháng 1. Những thanh tre biểu tượng cho sự thịnh vượng trong khi thông thể hiện cho sự trường thọ. Kadomatsu được cho là cách tạo chỗ trú tạm thời cho các thần thánh tới thăm dương gian, cầu chúc cho con người. Chúng sẽ bị đốt đi sau ngày 15/1.

Nengajo là thiệp năm mới của người Nhật. Ngoài việc gặp gỡ chào hỏi nhau ngày lễ, người ta còn biểu đạt sự trân trọng bằng việc gửi thiệp tới những người đã giúp đỡ trong năm qua và hy vọng họ tiếp tục ủng hộ, yêu thương trong năm mới. Gửi thiệp nengajo là một phong tục quan trọng của người Nhật. Những lá thiệp này được trang trí rất dễ thương, và in hình con vật của năm đó. Họ thường gửi thiệp từ đầu tháng 12 để chắc chắn người nhận sẽ có thiệp vào tháng đầu tiên năm mới. Điều hay nhất của thiệp nengajo là chúng nhắc bạn nhớ về bạn bè, đồng nghiệp, người thân gia đình…

Rung chuông đón năm mới

Truyền thống này có phần giống với màn đếm ngược thời gian ở các nước Phương Tây. Ở Nhật, đây là một sự kiện đặc biệt và mỗi vùng lại tổ chức theo kiểu riêng. Vài phút trước khi bước sang năm mới, các ngôi đền Phật giáo sẽ rung hồi chuông dài 108 lần như một phần của lễ Joya no kane. Nghi lễ này được tổ chức để thanh tẩy tâm hồn con người cho một năm mới đang tới. Ở Tokyo, các ngôi đền nổi tiếng tổ chức lễ này là đền Zojoji gần tháp Tokyo và đến Sensoji ở khu Asakusa. 

Vào đêm giao thừa, nhiều người đi viếng đền thờ, chùa chiền bởi chuyến đi đầu năm thường là tới thăm nơi linh thiêng (gọi là hatsumoude trong tiếng Nhật). Nếu chọn ngôi đền Phật giáo thì bạn sẽ được chứng kiến nghi lễ Joya no kane.

Làm bánh cúng truyền thống

Kagami mochi là loại bánh ngọt từ bột gạo, được làm dịp Tết để dâng lên các vị thần năm mới. Đặt trên chiếc bánh mochi tròn trịa là một quả cam. Chiếc bánh được đặt quanh một ban thờ thần Shinto vào những ngày cuối năm kéo dài tới khoảng 11/1. Dịp Tết, người Nhật cúng bánh Mochi để cầu nguyện cho sự trường thọ. Trên đỉnh của kagami-mochi, người ta đặt một quả cam với mong ước gia đình phồn thịnh.

Thưởng thức bữa cơm năm mới

Osechi-ryori là tập hợp các món truyền thống thường ăn trong ba ngày đầu năm mới. Mỗi món Osechi đều có ý nghĩa riêng. Ví như món cá chiên đem lại sức khỏe dồi dào cho năm mới, trong khi món đậu mang ý nghĩa may mắn về tài chính. 

Người Nhật hạn chế dùng lửa vào ba ngày đầu năm để chào đón Toshigami (thần năm mới). Vì thế, trong suốt những ngày đó, người đảm nhận việc nội trợ trong nhà không phải làm việc. Đồ ăn phải được chuẩn bị từ trước đêm giao thừa và mọi người cùng được thưởng thức trong suốt ba ngày kế tiếp.

Mừng tiền cho trẻ nhỏ

Otoshidama là phong tục mừng tiền cho trẻ nhỏ như một món quà đầu năm mới. Đó là cách trân trọng những nỗ lực chúng đạt được khi đi học suốt một năm qua, đồng thời hy vọng năm mới đầy niềm vui, hạnh phúc. Otoshidama thường là bố mẹ, ông bà, cô chú bác mừng cho con trẻ trong gia đình. Đứa trẻ càng nhiều tuổi thì càng được mừng nhiều tiền. Chúng sẽ được nhận tiền đặt trong phong bì. 

Thăm đền chùa vào đầu năm

Hatsumoude là truyền thống đi thăm đền chùa vào đầu năm mới. Người Nhật bắt đầu một năm mới bằng cách cầu khấn, ước cho một năm an lành, mạnh khỏe và thịnh vượng. Những chuyến thăm đền chùa sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt, thường chỉ trong tuần đầu tiên năm mới. Cạnh đền chùa dịp này có rất nhiều hàng quán bán đồ ăn, thức uống. Việc ăn uống trong và sau khi đi lễ cũng là một cách xua đuổi ác quỷ. 

Theo VNE