fbpx
6 năm trước Chưa được phân loại

“Ba hoa” chỉ đánh bóng vỏ bọc của con người, nếu muốn giá trị bản thân tăng lên, trước tiên xin hãy “nỗ lực trong im lặng”

Cố gắng trong âm thầm, thẳng tiến tới thành công.

[1] Âm thầm nỗ lực, đáng hay không?

“Phấn đấu trong âm thầm để làm gì, liệu có ai công nhận mình không?”

Dưới đây là một câu chuyện có thật:

Có một nhân viên văn phòng, đều đặn mỗi ngày dành 4 tiếng để suy nghĩ và viết bài một cách thầm lặng, sau đó chia sẻ với những người theo dõi blog của anh.

Phấn đấu trong âm thầm, suy cho cùng là một điều nhàm chán, tẻ nhạt. Không nhiều người thích làm những việc như vậy, nhưng người nhân viên này đã kiên trì với công việc viết lách của mình trong nhiều năm. Đồng nghiệp của anh, thậm chí ngay cả người thân trong gia đình, cũng không biết về những việc anh đang làm. Anh cứ âm thầm lặng lẽ như vậy, mỗi ngày viết một chút một, rồi quyển sách đầu tiên của anh được xuất bản và giúp anh thu về một khoản tiền không nhỏ. Đó là chiến tích của anh.

Chúng ta ai cũng có một người bạn, nhìn bình thường như bao người, năng lực không có gì gọi là nổi trội, rồi đùng một cái họ thành công, không những thế còn vượt xa chúng ta nữa. Lạ kỳ!

Chúng ta nào có ngờ, cái đứa mà chúng ta hay gọi yêu là “ăn hại” đấy, đang nỗ lực phấn đấu như điên mà ta không hề hay biết. Chúng ta chỉ được thấy gương mặt lơ đễnh, ngái ngủ của bạn mình, nào có thấy gương mặt tập trung cao độ để học kiến thức đêm hôm qua?

“Số nó may”. Đây là câu đúc kết của không ít người khi thấy người khác thành công hơn mình. Bạn có phải một trong số họ?

Nếu phải, tôi xin phép được gửi bạn một câu: “Bạn thật nông cạn!”.

Bởi trên đời này, mọi thứ đều được cấu thành dựa trên nhân quả. May mắn chỉ đến với bạn khi bạn đã dồn đủ công sức, nỗ lực để dành được nó, đơn giản như vậy thôi.

[2] Đánh đổi gì để thành công?

Chúng ta nhìn những người thành công với ánh mắt ngưỡng mộ pha chút ghen tị. Chúng ta lấy may mắn để lí giải cho thành công của họ, phớt lờ đi sự thật rằng để có được ngày hôm nay, họ đã phải nỗ lực rất nhiều. Họ thậm chí phải chịu thất bại rất nhiều lần, bị những người bình thường như chúng ta dè bỉu, coi thường trước khi chạm tay được vào “thành công”.

Gần đây, có một cô gái xinh đẹp xuất hiện trong chương trình tìm kiếm tài năng. Cô tham dự phần thi hát. Điều đặc biệt là, cô bị điếc. Một căn bệnh quái ác đã cướp đi của cô khả năng nhận thức về âm thanh. Nghe không thấy, nói còn khó, vậy hát kiểu gì? Vậy mà cô gái này đã làm được, thậm chí còn nhận được nút vàng của Simon – vị giám khảo khó tính nhất mọi thời đại.

Cô gái không vì khiếm khuyết của mình mà chịu bỏ cuộc. Cô tìm cách để dùng các giác quan khác bù đắp cho thính giác của mình. Không ai giúp được cô, cô phải tự mình phấn đấu một cách âm thầm và lặng lẽ. Và cô đã thành công, như một lẽ tất yếu.

Những người thành công, họ không phàn nàn về những thăng trầm của số phận. Họ học cách can đảm để đối mặt với những biến cố trong cuộc sống, sau đó lặng lẽ tìm cách để vượt qua.

[3] Món quà của sự lặng im

Bạn tôi, Duy Phương, đầu năm đặt ra mục tiêu hoàn thành 100 quyển sách trong năm tới.

Thời điểm đặt ra mục tiêu ấy, mắt Phương rực lửa, lòng đầy quyết tâm. Thấy anh hừng hực khí thế như vậy, tôi không ngớt lời cổ vũ, tin rằng anh hoàn toàn có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Hôm trước gặp anh ở Starbucks, tôi tiện hỏi: “Quá nửa năm rồi đấy, mày đọc được mấy quyển sách rồi?”

Phương đáp: “Ối giồi thời gian gần đây tao bận quá, quên xừ mục tiêu ấy. Nhớ rồi, bao giờ rảnh hơn tao sẽ vùi đầu trong sách, thề luôn.”

Lúc ấy, tôi khá bất ngờ. Nhưng bây giờ nghĩ lại, thấy cũng bình thường. Trên thực tế, tôi thấy hành vi này của Phương cũng khá phổ biến trong cuộc sống. Những người bù lu bù loa cho cả thế giới biết về sự cố gắng của mình, quanh đi quẩn lại cũng chỉ được mỗi cái nói suông. Họ chỉ muốn thu hút sự chú ý của mọi người, sau đó cười xoà và đi làm việc khác. Ngược lại, những người nói ít là những người làm nhiều. Họ không quan tâm nếu người khác có để ý thấy sự cố gắng của họ. Họ nỗ lực, đơn giản chỉ vì họ muốn bản thân tốt lên.

Có người nói, im lặng là kho báu lớn nhất của nhân loại.

Im lặng, để có thể tập trung làm những việc mình cần phải làm.

Im lặng, để bản thân không bị ảnh hưởng bởi những lời xu nịnh, chế giễu của một xã hội phức tạp.

Im lặng, để tiếp thu đúng đắn những điều mới mẻ, để phân tích được rằng “Việt – Nam – đất – nước – ta – ơi” có 6 tiếng, tương ứng với 6 hình, và đi đến kết luận chuẩn xác rằng: Hình đại diện cho tiếng, không phải cho mặt chữ. 

Nếu bạn muốn làm một điều gì đó, hãy cứ mạnh dạn làm đi. Bạn không cần phải hô hào, nỗ lực của bạn cũng sẽ được mọi người ghi nhận.

Khi bạn cất tiếng nói của mình vào trong một chiếc hộp và khoá chặt lại, bạn sẽ thấy mọi nỗ lực mình bỏ ra đều đem lại hiệu quả đáng đồng tiền bát gạo. Chúc bạn thành công!

 

Theo Cafebiz