Khoảng cách tạo nên sự khác biệt giữa người ưu tú và kẻ thất bại chỉ là hơn – kém nhau đúng 1%
Cùng là một năm 365 ngày, có người coi mọi thứ chỉ là lặp lại ngày qua ngày nhàm chán, lại có người góp nhặt từng ngày, từng tháng. Thái độ quyết định tất cả. Nếu không biết trân quý công việc của mình, bạn sẽ không thể tạo nên khác biệt.
Quang và Quân là anh em sinh đôi. Cả hai đều rất thông minh, giỏi giang. Thành tích học tập của họ cũng rất xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp trung học, hai anh em vào học trong 2 trường đại học danh tiếng. Cậu anh tên Quang chọn học ngành tài chính, còn người em tên Quân lại theo học ngành tiếng Anh.
Tới năm tốt nghiệp đại học, Quân được vinh danh là nhân viên ưu tú và được cử đi nước ngoài tu nghiệp. Còn Quang về nhà đợi việc. Long đong, lật đật mất 3 năm, nhảy việc liên tục, cuối cùng Quang cũng được nhận vào làm nhân viên tín dụng ở một ngân hàng gần nhà, tạm coi là ổn định.
Dịp nghỉ lễ về quê chơi, tôi vô tình gặp lại hai anh chị em họ cũng đang vào mua đồ. Hàn huyên hồi lâu mới hay, sau khi du học trở về Quân đã trở thành một chuyên viên dịch thuật cao cấp làm trong một công ty nước ngoài. Còn Quang vẫn là nhân viên tín dụng của ngân hàng như năm nào.
Nhìn hai người một lượt từ đầu xuống chân, tôi chợt nhận ra ngoài khuôn mặt tuấn tú giống hệt nhau, thực chẳng thể tìm được bất cứ điểm nào chung giữa hai người. Sự khác biệt lớn nhất chính là khí chất biểu hiện trên gương mặt họ. Một người mặt mày ủ ê, chán nản như không còn sức sống, còn một người mặt rạng mày ngời tỏa sáng, tự tin.
Dẫu là về gia cảnh, xuất phát điểm, trí tuệ, ngoại hình… hai người đều rất tương đồng. Vậy điều gì đã khiến sự nghiệp họ khác biệt nhau một trời một vực đến thế?
Thực ra, khoảng cách tạo nên sự khác biệt giữa một người bình thường và một người xuất sắc chỉ là hơn kém nhau đúng 1% này thôi.
1. Làm đúng 1%
Định hướng ban đầu chính là nền tảng quyết định thành công. Định hướng sai sẽ khiến bản thân rơi vào hoàn cảnh khốn cùng.
Như anh em Quang và Quân, bước ngoặt định mệnh quyết định số phận của họ chính là thời khắc chọn thiên hướng để gắn bó lâu dài. Quang chọn ngành tài chính vì sức hút của nó, vì hình dung tới tiền, và lợi nhuận có thể đạt được sau này nhưng không tính những khó khăn phải đương đầu trước mắt: con số, thuật toán cao cấp… những thứ vốn không phải năng khiếu từ nhỏ của Quang.
Trái lại, Quân thì khác. Ngay từ nhỏ, Quân đã bộc lộ tư chất tự nhiên về mặt ngôn ngữ và ngoại ngữ. Khi chọn học tiếng Anh, anh đã phát huy được hết khả năng của mình.
Một con thuyền muốn không bị lạc giữa biển trời bao la thì phải có chiếc la bàn chuẩn, người hoa tiêu tốt. Định hướng đúng đắn chính là giúp bạn không phải đi đường vòng, không phải hối hận vì những sai lầm của mình. Nhiều khi sự khác biệt ấy chỉ là 1% mà thôi, 1% giữa đúng và sai thật sự rất mong manh. Dù chỉ là sai biệt 1%, bạn cũng có thể vĩnh viễn không tới được nơi mình mong muốn.
2. Làm nhiều hơn 1%
Khi người ta đi đúng định hướng, làm đúng việc cần làm cũng không nhất định gặt hái được thành công. Bạn còn phải làm nhiều hơn người khác một chút, chăm chỉ hơn một chút. Người xưa đã dạy: “Cần cù bù thông minh”, siêng năng chính là phẩm chất đầu tiên mà một người thành đạt cần phải trui rèn.
Trở lại câu chuyện của anh em sinh đôi Quang và Quân. Thay vì nỗ lực bản thân, mở rộng kỹ năng, học thêm thứ mới… thì trong suốt 3 năm đi làm, Quang vẫn dậm chân tại chỗ. Anh không có hứng thú và năng lượng để làm mới bản thân. Anh thỏa hiệp với an nhàn và kết quả là sự an nhàn đã rút cạn sự sáng tạo, bứt phá của Quang.
Còn Quân, sau khi thành thạo tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ, Quân còn học thêm tiếng Nhật và tiếng Tây Ban Nha. Việc mở rộng các loại hình ngôn ngữ khiến Quân trở nên đắt giá trong con mắt nhà tuyển dụng và các công ty săn đầu người. Giá trị của Quân tăng lên cấp số nhân. Thường, anh là người được chủ động chọn lựa nơi làm việc giữa vô số những lời mời béo bở từ các công ty lớn. Anh chủ động sống, thỏa thích khám phá thế giới thông qua sách báo và những chuyến du lịch, công tác ở khắp mọi nơi… Chính việc làm hơn 1% ấy đã tạo bước ngoặt và kiến thiết giá trị lâu bền cho mỗi người.
Tuân Tử nói: “Bất tích khuể bộ, vô dĩ chí thiên lý”, nghĩa là không tích nửa bước không thể tới ngàn dặm. Cũng lại có câu ngạn ngữ rằng: “Chặng đường ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân”. Dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần cố gắng tích góp sức lực nhiều thêm một chút, bạn có thể gặt hái được thành quả bất ngờ tuyệt vời.
Hãy thử liên tưởng đến việc đun nước xem. Khi nước đã đạt tới 100 độ C, dù có gia nhiệt đi đến đâu nữa, nhiệt độ cũng không tăng thêm. Nếu như dừng ở đó thì nước lập tức nguội đi. Nhưng nếu không bỏ cuộc mà tiếp tục đun, nước sẽ biến thành hơi và bay lên trời. Để có sự thay đổi về chất, phải kiên trì chịu đựng quãng thời gian khổ ải không có lấy một chút thành quả nào như vậy.
Vì thế, thành công dường như rất khó. Nếu như nỗ lực mười phần mà thành quả cũng đạt được đầy đủ mười phần không thiếu một ly, kết quả lập tức bày ra trước mắt thì làm gì có ai không nỗ lực? Vậy nhưng, hiện thực thì lại khác. Có một điểm mà ở đó, dù cố gắng đến đâu cũng hoàn toàn không có sự thay đổi nào, giống như nước ở 100 độ C vậy. Nhiều người tới được điểm này, cũng đã cố gắng ở mức độ nào đó nhưng rồi cuối cùng lại bỏ cuộc. Nhưng một số ít những người lặng lẽ cố gắng cầm cự qua giai đoạn này, đổ thêm nhiều giọt mồ hôi nóng bỏng nữa, cuối cùng, họ sẽ được nếm trải vị ngọt của thành công.
3. Làm tốt 1%
Cùng làm một sự việc, bỏ ra thời gian, công sức như nhau, ai cũng rất cố gắng, vậy cớ sao có người làm được tốt còn có người thì không? Đó chính là vì thái độ của họ là khác nhau. Ai có thể dụng tâm, bỏ ra công phu, tìm được con đường hiệu quả nhất thì càng tiệm cận gần với sự thành công.
Trong câu chuyện trên, người anh tên Quang từ nhỏ đã có thói quen làm bài theo số lượng để giành chiến thắng, trở thành người đi đầu. Sau này khi ra trường đi làm, anh vẫn giữ thái độ ứng xử tương tự đối với công việc, ngày qua ngày đều là như thế. Bởi vậy, anh mãi chỉ là một nhân viên tín dụng ngân hàng, làm việc chạy theo các chỉ tiêu.
Người em tên Quân thì ngược lại, từ nhỏ đã có thói quen tập trung vào từng sai sót nhỏ nhất, lại thích suy luận, phân tích nên học một biết mười. Khi ra trường đi làm, đối với từng sự việc nhỏ, Quân cũng thường xuyên có tổng kết, suy ngẫm. Anh coi từng ngày trong đời là một sự tích lũy, mỗi ngày đều có thể tích luỹ được một điều mới mẻ. Và thành công cứ nối tiếp thành công.
Vậy đó, cùng là một năm 365 ngày, có người coi mọi thứ chỉ là lặp lại ngày qua ngày nhàm chán, lại có người góp nhặt từng ngày, từng tháng. Thái độ quyết định tất cả. Nếu không biết trân quý công việc của mình, bạn sẽ không thể tạo nên khác biệt. Trong những điều tưởng như nhàm chán, lặp đi lặp lại ấy, người thành công chính là người nhìn ra được cảm hứng mới, năng lượng mới.
Tôi đọc đâu đó câu chuyện về cây mao trúc. Người ta nói hạt mao trúc rơi xuống đất, chỉ mọc lên một cây măng nhỏ rồi hoàn toàn không có chuyển biến gì trong suốt 5 năm trời. Thế rồi từ khoảng cuối năm thứ 5, cây lớn vọt lên với tốc độ đáng kinh ngạc, một ngày cao thêm tới vài chục xăng ti mét, cho tới khi đạt tới chiều cao gần 25 mét. Thật kì diệu, phải không? Như vậy, không phải là mao trúc không hề lớn lên trong suốt năm năm trời. Mà thực ra, trong lòng đất, cây đã đâm rễ, cần mẫn bền bỉ chuẩn bị cho cú nhảy vọt sắp tới. Và rồi khi đến lúc, cây lớn vọt lên, nhanh hơn, cao hơn bất cứ loại cây nào.
Hãy không ngừng tích lũy tri thức từ những hạt bụi kiến thức. Hãy bắt đầu mọi thứ bằng những chi tiết nhỏ và thực hiện chúng một cách tận tụy nhất. Đừng quên, một cuộc đời thành công được tạo nên từ những mảnh ghép li ti nhưng giá trị.
Mỗi ngày hãy tập dậy sớm hơn 10 phút, một năm bạn đã có nhiều hơn người khác tới 60 giờ.
Mỗi ngày hãy đọc 10 trang sách, một năm bạn đã có thể đọc nhiều hơn người khác 6 quyển có ý nghĩa.
Con đường thành công vốn không xa xôi, hiểm trở gì, chẳng qua là bạn làm nhiều hơn người khác một chút mà thôi.
Theo Cafebiz